FTC 'loay hoay' với án phạt cho Facebook

Tuesday 7 May 2019 Đăng Nguyên

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) vẫn chưa thể quyết định án phạt cụ thể sẽ áp dụng cho Facebook do chưa đạt được sự đồng thuận.

Facebook được cho là sẽ phải nộp số tiền lớn nhất mà FTC đưa ra với một công ty công nghệ do các bê bối liên quan đến rò rỉ dữ liệu người dùng sau vụ Cambridge Analytica. Tuy nhiên, mức án phạt chính xác vẫn chưa công bố.

FTC vẫn chưa đưa ra án phạt cho Facebook. Ảnh: BI.

FTC vẫn chưa đưa ra án phạt cho Facebook. Ảnh: BI.

Theo NYTimes, năm ủy viên FTC đã đồng ý mạnh tay với Facebook bằng một "hình phạt lịch sử" do mức độ vi phạm và những tác động nghiêm trọng mà mạng xã hội của Mark Zuckerberg gây ra. Tuy nhiên, họ vẫn còn cân nhắc nên phạt bao nhiêu để đảm bảo tính răn đe.

Bên cạnh tranh luận về án phạt dành cho Facebook, nguồn tin tiết lộ rằng các ủy viên đang có sự chia rẽ nội bộ khi nói về vai trò của Zuckerberg. Một số đặt câu hỏi về việc ông này phải chịu trách nhiệm thế nào dưới vai trò CEO Facebook và với vai trò cá nhân sau bê bối Cambridge Analytica. Trong khi đó, số khác lại cho rằng Zuckerberg chỉ liên đới, không phải là kẻ chủ mưu nên có thể "nhẹ tay".

Theo một số chuyên gia, việc cân nhắc đưa ra án phạt là điều nên làm, bởi nó có thể tác động rất lớn đến những công ty có mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu người dùng như Facebook. "Đây sẽ là một quyết định cực kỳ quan trọng bởi tất cả các công ty lớn khác sẽ nhìn vào đó và tự biết mình phải làm gì trong tương lai", Thượng nghị sĩ Ron Wyden, đánh giá.

Trước đó, phía Facebook cũng sẵn sàng nộp phạt, thậm chí tự ước tính khoản phạt. Trong báo cáo tài chính quý I/2019 ngày 24/4, doanh thu Facebook đạt 15,08 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái là 14,98 tỷ USD. Tuy vậy, họ phải "để dành" 3 - 5 tỷ USD nhằm chuẩn bị cho khoản phạt của FTC nên chỉ đạt lợi nhuận 2,429 tỷ USD, trong khi quý IV/2018 là 6,8 tỷ USD.

Tháng 3/2018, sau việc rò rỉ dữ liệu của 87 triệu người dùng của Facebook và Cambridge Analytica, FTC bắt đầu điều tra Facebook để đánh giá liệu mạng xã hội này có vi phạm các thỏa thuận về bảo mật và quyền riêng tư ký năm 2011. Bê bối bắt đầu từ 2015 khi Cambridge Analytica mua dữ liệu của hàng chục triệu người dùng từ một giảng viên Đại học Cambridge. Guardian đã thông báo cho Facebook và mạng xã hội yêu cầu công ty này phải xóa dữ liệu nhưng thực tế chúng vẫn tồn tại. Số thông tin này sau đó có thể đã được sử dụng chúng cho mục đích chính trị, liên quan đến chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump.

Như Phúc (theo Phonearena)

0 comments:

Post a Comment