Khi nào smartphone sẽ chết?

Friday 30 November 2018 Đăng Nguyên

Smartphone có thể chung số phận với đĩa CD hay máy MP3 khi công nghệ mới cho phép tương tác mọi lúc mà không cần đến thiết bị cầm tay.

Bạn đã bao giờ sở hữu một máy nghe nhạc mini, máy ảnh kỹ thuật số hay xa hơn là đầu CD, MiniDisc (MD), thiết bị cầm tay cá nhân (PDA), máy chơi game Nintendo...? Chúng đều xuất hiện và khá phổ biến cách đây khoảng hai thập kỷ, nhưng hiện nay chỉ có thể tìm thấy trong đống rác thải điện tử hoặc từ các nhà sưu tầm.
Smartphone có thể bị thay thế khi công nghệ mới tiên tiến hơn.
Smartphone có thể bị thay thế khi công nghệ mới tiên tiến hơn.
Những thiết bị kể trên biến mất có thể giải thích được là do sự tiến bộ của công nghệ. Tuy nhiên, cuộc cách mạng chỉ đến khi có sự xuất hiện của iPhone vào 2007 và Android một năm sau đó. "iPhone và smartphone Android khiến những thứ trước đó bỗng dưng lỗi thời. Nói rằng chỉ sau một đêm thì hơi quá, nhưng tốc độ diễn ra rất nhanh", Damien McFerran của Techradar bình luận.
Sự thống trị của smartphone trong ngành công nghiệp công nghệ tiêu dùng là ví dụ hoàn hảo về sự chiếm lĩnh của sản phẩm tất cả trong một. Khác với cỗ máy có chức năng riêng biệt, smartphone có thể phát nhạc, chụp ảnh, chơi game, lưu trữ dữ liệu, theo dõi sức khỏe... và tất nhiên là dùng để liên lạc. Chúng ngày càng hoàn thiện và đang được cải tiến để trở nên ưu việt nhất.
Smartphone là một phần của công nghệ. Nhưng câu hỏi đặt ra là, nó có tồn tại mãi mãi trong tương lai không?
Theo chuyên gia kỹ thuật Paolo Pescatore của CCS Insight, câu trả lời là không, bởi nó sẽ tiến hóa hoặc bị thay thế bằng một sản phẩm sáng tạo, hữu ích và tính năng phong phú hơn. "Thiết bị của tương lai phải là 'cuộc hôn nhân' của công nghệ và tính năng. Đó có thể là sự không giới hạn của thực tế ảo và thực tế tăng cường trên màn hình tương tác hỗ trợ bởi đám mây", Pescatore nói. "Bất kỳ bức tường hoặc mặt phẳng nào cũng có thể được xác thực thông qua nhận diện khuôn mặt. Việc gọi điện, xem video, phát nhạc, điều khiển hệ thống sưởi ở nhà, bật xe... thực hiện qua giọng nói".
Công nghệ như vậy đã tồn tại, dù mới chỉ ở mức cơ bản. Amazon Echo hay Google Home đã có thể hiểu các lệnh nói, cho phép thực hiện những việc như tắt đèn trong nhà, gọi đồ ăn, duyệt web hay phát nhạc yêu thích. Tuy nhiên, chúng vẫn cồng kềnh và không phải là thứ bạn có thể mang theo bên mình, ít nhất là chưa.
Google Glass được xem là thiết bị của tương lai.
Google Glass được xem là thiết bị của tương lai.
Thiết bị đeo là sự thay thế hiệu quả trong trường hợp người dùng không thích mang theo smartphone. Chúng cũng bổ sung nhiều tính năng mới, kể cả gắn sim để đàm thoại, lướt web, theo dõi sức khỏe hay xem video. Thế nhưng, đa phần vẫn phải kết nối với điện thoại và điều này biến chúng trở thành thiết bị phụ thuộc thay vì độc lập. Đó là chưa kể việc nghe gọi hay xem nội dung trên màn hình nhỏ khiến trải nghiệm bị hạn chế. Không ngạc nhiên khi đồng hồ thông minh đã thất bại trong việc thay thế điện thoại thông minh và điều này đã được đoán trước.
Các giải pháp cho thực tế tăng cường dự đoán sẽ là bước tiến công nghệ tiếp theo. Tuy vậy, việc phát triển chúng vẫn diễn ra rất manh mún và không tập trung, thậm chí các hãng rất mơ hồ về kế hoạch của mình. Google Glass là dự án được kỳ vọng và nó cũng đã chứng minh phần nào về xu thế tương lai. Nhưng hạn chế khi áp dụng vào thực tế khiến nó trở thành một sản phẩm "chết yểu".
Con người vẫn rất cần smartphone.
Con người vẫn rất cần smartphone.
Những năm 1970, thật khó để tưởng tượng gần 50 năm sau sẽ có một thiết bị mang rất nhiều chức năng có thể bỏ trong túi quần. Nhưng trong 50 năm tới, công nghệ sẽ phát triển đến một mức khác "không thể tưởng tượng". Thậm chí smartphone sẽ không còn. Thay vào đó, con người sẽ sử dụng chip siêu nhỏ gắn vào cơ thể, không cần thiết bị nào nữa bởi xung quanh đều tồn tại các cỗ máy nhận dạng và hỗ trợ mọi yêu cầu khi cần. Nói cách khác, smartphone sẽ chết khi có công nghệ mới đủ để thay thế các chức năng nó đang mang lại.
Nhưng theo Pescatore, đó là tương lai xa. Còn hiện tại và ở tương lai gần, con người vẫn cần smartphone bởi nó là một sản phẩm hoàn thiện và hữu ích. "Smartphone vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người. Tôi chưa cảm nhận được sự thay đổi. Mọi người vẫn muốn có một cái gì đó hữu hình trong tay, như tôi dành nhiều thời gian nhìn vào điện thoại hơn bất kỳ thiết bị nào khác, bạn lại muốn xem video, chơi trò chơi và nghe nhạc trên tay mình. Không có chiếc máy nào tốt hơn smartphone lúc này", Pescatore nói.
Bảo Lâm

Tin nhắn riêng tư của 81.000 tài khoản Facebook bị rao bán

Đăng Nguyên

Theo BBC, một nhóm hacker đã đăng trên diễn đàn trực tuyến chuyên của tin tặc, cho biết đã nắm giữ thông tin cá nhân của 120 triệu tài khoản Facebook. Công ty an ninh mạng Digital Shadows đã kiểm tra và xác nhận rằng hơn 81.000 hồ sơ trong số đó có chứa thông tin riêng tư của người dùng Facebook.
BBC cho biết đã liên hệ với năm người dùng từ Moscow, Belgorod và Perm (Nga) nằm trong danh sách bị ảnh hưởng, tất cả đều xác nhận các mẫu tin nhắn mà tin tặc đưa ra đúng là đoạn trò chuyện riêng tư của họ. Nạn nhân của nhóm hacker trên còn đến từ Ukraine, Anh, Mỹ và Brazil.
Cả năm người được BBC liên hệ đều xác nhận tin nhắn riêng tư đúng là của họ.
Cả năm người được BBC liên hệ đều xác nhận tin nhắn riêng tư đúng là của họ.
Facebook phủ nhận tin tặc đã chiếm quyền truy cập vào máy chủ của mình. Mạng xã hội lớn nhất thế giới đổ lỗi cho người dùng đã cài các tiện ích mở rộng chứa phần mềm độc hại. Guy Rosen, Giám đốc quản lý sản phẩm của Facebook cho biết công ty đã liên hệ với các nhà sản xuất trình duyệt để loại bỏ tiện ích độc hại này.
"Chúng tôi cũng đã liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật và làm việc với chính quyền địa phương để xóa các trang hiển thị thông tin từ Facebook", Guy cho biết thêm. "Chúng tôi khuyến khích người dùng kiểm tra các tiện ích mở rộng đã cài và xóa những chương trình không tin cậy".
Việc hàng chục nghìn tài khoản Facebook bị rao bán tin nhắn riêng tư nối tiếp hai bê bối dữ liệu của mạng xã hội này trong năm nay. Tháng 9, Facebook cho biết đã bị vi phạm an ninh ảnh hưởng tới 50 triệu người dùng. Bê bối khác là Cambridge Analytica, trong đó 87 triệu người dùng bị thu thập thông tin từ 2013.
Bảo Anh

Elon Musk nói Apple ngày càng mờ nhạt

Đăng Nguyên

Giám đốc điều hành Tesla nói rằng các sản phẩm của Apple từng "thổi bay tâm trí mọi người", nhưng điều đó ngày càng mờ nhạt.

"Không còn nhiều sản phẩm có thể khiến người mua hạnh phúc hơn. Apple đã làm được điều đó trong một thời gian dài, khi tạo ra những chiếc điện thoại tuyệt vời", Elon Musk chia sẻ trong cuộc phỏng vấn mới đây với Recode. Ông nói điều này sau khi chia sẻ rằng Tesla đặt mục tiêu chế tạo một chiếc xe khiến mọi người thực sự hạnh phúc.
"Tôi vẫn sử dụng iPhone và mọi thứ khác. Nhưng bạn biết không, Apple từng đưa ra những sản phẩm thực sự có thể thổi bay tâm trí mọi người. Giờ họ vẫn tạo ra các sản phẩm tốt, nhưng ngày càng ít sản phẩm ấn tượng như trước đây", ông nói tiếp.
Musk cho rằng iPhone của Apple có thể không còn thu hút được sự chú ý của nhiều người tiêu dùng, ít nhất là so với danh sách 450.000 người đang chờ để được mua mẫu xe Tesla Model 3 của mình.
Elon Musk nói Apple ngày càng mờ nhạt
Năm 2015, Musk từng chế nhạo Apple khi gọi công ty này là "nghĩa địa của Tesla", khi nhiều nhân viên của Tesla bị lôi kéo sang làm việc cho hãng sản xuất iPhone. Tuy nhiên trên thực tế, việc nhân sự di chuyển qua lại giữa các công ty tại thung lũng Silicon là chuyện khá bình thường. Hồi tháng 8, Doug Field, một cựu giám đốc điều hành kỹ thuật của Tesla, phụ trách giám sát việc sản xuất mẫu xe Tesla Model 3 đã quay trở lại Apple để phụ trách dự án xe tự lái. Trước đó vào năm 2013, người đàn ông này đã nghỉ việc từ bộ phận Mac của Apple để đi tới Tesla.
Năm nay, khi iPhone Xs và Xs Max được bán ra, dòng người xếp hàng trước các Apple Store không dài như những năm trước. Khi chiếc iPhone Xr, phiên bản rẻ tiền hơn được phát hành một tháng sau đó, gần như không có người xếp hàng để tranh mua.
Tuy nhiên, việc người dùng không còn "chạy đến cửa hàng" không đồng nghĩa với sức hút của những chiếc iPhone sụt giảm. Một cuộc khảo sát được 451 Research công bố hôm 1/11 mới đây về sự hài lòng của khách hàng với iPhone cho thấy 98% người dùng tỏ ra hài lòng với các phiên bản iPhone mới ra mắt.
Bảo Nam

Tencent sẽ xác minh ID và nhận dạng khuôn mặt game thủ

Đăng Nguyên

Công ty trò chơi Trung Quốc muốn xác định độ tuổi cũng như hạn chế thời gian chơi của người dùng.

Theo Engadget, trước đây tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc Tencent đã áp dụng giới hạn thời gian chơi cho người dùng trẻ để hạn chế tình trạng nghiện game. Tuy nhiên mới đây, công ty đang muốn tiếp tục thực hiện những động thái mới để tăng cường hóa mục đích của mình.
Cụ thể, Tencent có kế hoạch xác minh danh tính và độ tuổi của người chơi để xác định thời gian mà họ được phép vào game. Việc này được thực hiện thông qua kiểm tra ID dựa trên cơ sở dữ liệu của lực lượng cảnh sát. Theo đó, người chơi từ 12 tuổi trở xuống chỉ được vào game một giờ mỗi ngày, trong khoảng từ 8h sáng tới 9h tối. Người chơi từ 13 đến 18 tuổi sẽ có hai giờ chơi game.
Hệ thống mới đã bắt đầu được áp dụng trong trò chơi Honor of Kings, game di động hiện có hơn 200 triệu người chơi mỗi tháng của Tencent. Dự kiến cuối năm 2018, sẽ có 10 trò chơi áp dụng biện pháp quản chế chặt chẽ này. Đầu năm 2019, toàn bộ game của nhà phát hành này sẽ có tính năng tương tự.
Trẻ em Trung Quốc đang chơi game Honor of Kings trên smartphone.
Trẻ em Trung Quốc đang chơi game Honor of Kings trên smartphone.
Tencent không nói rõ sẽ làm như thế nào xác minh người dùng, tránh trường hợp người chơi sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để gian lận. Tuy nhiên gần đây, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã được thử nghiệm trong game Honor of Kings. Một số người ủng hộ quyền riêng tư đã có động thái phản đối hành động này, bởi cho dù có các cam kết, công ty này vẫn sẽ yêu cầu những thông tin nhạy cảm về trẻ vị thành niên.
Dẫu vậy, theo các chuyên gia, người dùng sẽ không có nhiều sự lựa chọn. Bởi áp lực về việc giới hạn giờ chơi game đối với thanh thiếu niên đang đến với Tencent từ nhiều phía, từ cha mẹ, giáo viên tới dư luận xã hội. Ngoài những lo ngại về tình trạng nghiện game, đã có những cảnh báo rằng việc chơi game quá nhiều có thể liên quan đến mức độ cận thị đang ngày một tăng cao. Chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng cũng không phản đối các biện pháp kiểm soát mạnh tay này. Trước đó vào tháng 8, Bộ giáo dục nước này đã công bố kế hoạch phát triển hệ thống hạn chế độ tuổi chơi game của người dùng và cả số lượng các trò chơi trực tuyến được phát hành.
Piers Harding-Rolls, từ công ty nghiên cứu dữ liệu IHS (Anh) chia sẻ với BBCrằng: "Thử nghiệm tính năng nhận diện khuôn mặt là phần mở rộng của nền tảng Youth Guardian của Tencent, cho phép cha mẹ theo dõi thời gian chơi game của con cái. Nhưng điều này sẽ tiến thêm một bước bằng cách so sánh hình ảnh của người dùng với hồ sơ ảnh của chính phủ. Sẽ có một số hạn chế do khuôn mặt của trẻ em thay đổi rất nhanh khi chúng phát triển. Tuy nhiên, công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng đang có những bước cải tiến đáng kể và không ngừng".
Bảo Nam

12 đại học đẹp bậc nhất nước Mỹ

Đăng Nguyên

Bên cạnh danh tiếng học thuật, những tòa nhà có niên đại hàng trăm năm và khuôn viên ngập tràn cây xanh là điểm cộng lớn của các đại học.

12 đại học đẹp bậc nhất nước Mỹ
Đại học Baylor

Ngôi trường tư thục ở Texas là một trong những đại học có khuôn viên ấn tượng nhất nước Mỹ, thuộc top 50 do tạp chí du lịch Conde Nast Traveler xếp hạng, được Insider tổng hợp ngày 24/8.

Thư viện Armstrong Browning của trường lấy cảm hứng thiết kế từ Bảo tàng Nhà Leighton ở London, Anh. Khi đến tham quan trường, bạn có thể ghé McLean Foyer of Meditation, căn phòng rộng nhất thư viện, nơi cho ra đời rất nhiều bức ảnh mang tính biểu tượng. Ảnh: Wikimedia Commons
12 đại học đẹp bậc nhất nước Mỹ
Cao đẳng Berry
Là một trong những ngôi trường lớn nhất thế giới, khuôn viên Cao đẳng Berry ở Georgie rộng 27.000 mẫu Anh (10.926 ha), có làn cưỡi ngựa, đạp xe, đi bộ đường dài. Trường mở cửa cho mọi người dân, dáng vẻ gợi nhớ đến không khí một miền quê nào đó ở nước Anh. Ảnh: Wikimedia Commons
12 đại học đẹp bậc nhất nước Mỹ
Đại học Colgate

Trong khuôn viên rộng 575 mẫu Anh (232 ha) của Đại học Colgate (New York), khoảng 2.300 cây xanh đua nhau tỏa bóng mát. Tòa nhà cổ nhất, West Hall, được xây từ năm 1827, sử dụng một phần vật liệu từ mỏ đá ở địa phương. Ảnh: Wikimedia Commons
12 đại học đẹp bậc nhất nước Mỹ
Đại học William & Mary

Tổng thống thứ ba của nước Mỹ, Thomas Jefferson, là cựu sinh viên của Đại học William & Mary (Williamsburg, bang Virginia). Tòa Sir Christopher Wren được xây trong khoảng năm 1695-1700, trước cả khi thành phố Williamsburg được thành lập, là tòa nhà thuộc trường đại học tồn tại lâu đời nhất ở Mỹ. Đây là một trong những môi trường lý tưởng để nghiên cứu lịch sử. Ảnh: Flickr
12 đại học đẹp bậc nhất nước Mỹ
Đại học Dartmouth
Dù sở hữu rất nhiều tòa nhà cổ kính và mang nét truyền thống, Đại học Dartmouth ở New Hampshire đặt tòa nhà Hopkins Center mang hơi hướng hiện đại ở vị trí trung tâm. Đây là tác phẩm của Wallace Harrison, kiến trúc sư nổi tiếng với công trình Lincoln Center ở New York.
Ảnh: Wikimedia Commons
12 đại học đẹp bậc nhất nước Mỹ
Cao đẳng Flagler
Trước khi biến thành cơ sở giáo dục bậc cao, nơi đây là một khách sạn xa hoa từng đón tiếp nhà văn Mark Twain, Ernest Hemingway, chủ nhân giải Nobel Hòa bình Martin Luther King Jr. và tổng thống Roosevelt. Ảnh: Wikimedia Commons
12 đại học đẹp bậc nhất nước Mỹ
Đại học Georgetown
Bản thân Washington D.C, nơi Đại học Georgetown tọa lạc đã là điểm đến hấp dẫn bởi nhiều công trình kiến trúc và giá trị lịch sử. Vị trí gần sông Potomac khiến ngôi trường này càng thu hút hơn về cảnh sắc. Ảnh: GeorgetownMcDonough
12 đại học đẹp bậc nhất nước Mỹ
Đại học Indiana

Khuôn viên trường ở bang Indiana trông như một ốc đảo, với làn đường dài gần 1.200 dặm để đạp xe hoặc chạy bộ. Kết hợp không gian đậm chất nghệ thuật, Đại học Indiana khiến mọi sinh viên cảm thấy hào hứng khi học tập ở đây. Ảnh:Shutterstock
12 đại học đẹp bậc nhất nước Mỹ
Đại học Loyola Marymount
Nhìn từ trên cao, Đại học Loyola Marymount có vị trí ấn tượng. Điểm đến không thể bỏ qua là tòa nhà nguyện Sacred Heart Chapel có phong cách gothic kiểu Tây Ban Nha, được xây dựng từ năm 1955. Ảnh: Facebook
12 đại học đẹp bậc nhất nước Mỹ
Đại học Princeton

Nếu muốn tìm kiếm hình ảnh cô đọng nhất về vẻ cổ kính, lộng lẫy của khuôn viên đại học ở Mỹ, bạn nên đến Princeton. Chỉ cách New York một tiếng di chuyển, ngôi trường tư thục thuộc khối Ivy League này là niềm mơ ước của rất nhiều sinh viên trên thế giới. Ảnh: Flickr
12 đại học đẹp bậc nhất nước Mỹ
Đại học Stanford
Những cây dừa trong khuôn viên đại học khó trúng tuyển bậc nhất nước Mỹ tạo vẻ thân thiện và phóng khoáng. Ngôi trường ở vùng ngoại ô thung lũng Silicon cũng đặc trưng bởi những mái nhà màu cam ấm áp. Ảnh: Reuters
12 đại học đẹp bậc nhất nước Mỹ
Đại học Missouri
Nhiều sinh viên lựa chọn Đại học Missouri, trường công lập ở Columbia, Missouri không chỉ vì danh tiếng học thuật. Khu vườn bách thảo được thiết kế ngay trong khuôn viên trường cũng là một yếu tố rất hấp dẫn. Ảnh: Wikimedia Commons
Thùy Linh - Theo Insider

Sáu tỷ phú đô la Mỹ đến Việt Nam bày cách khởi nghiệp sáng tạo

Đăng Nguyên

Hội thảo "Sáng tạo, cộng đồng và tác động: Giao thức vì tương lai" do Diễn đàn mở Kambria phối hợp với Lixibox tổ chức chiều 14/11 tại TPHCM thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khởi nghiệp thành công đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ), trong đó có 6 tỉ phú đô la. 
Phía Việt Nam, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cùng cộng đồng khởi nghiệp đã tham dự sự kiện.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại sự kiện. Ảnh: MC.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại sự kiện. Ảnh: MC.
Nhiều câu chuyện chia sẻ đã truyền cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp trong nước. Trong số này có hai nhà tỷ phú là cặp song sinh nhà Winklevoss nổi tiếng năm 2006 từ vụ kiện Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg với cáo buộc ăn cắp ý tưởng mạng xã hội của họ. Đến năm 2009, họ được bồi thường 65 triệu USD.
Hai anh em đã dùng 11 triệu USD để đầu tư vào Bitcoin và trở thành những tỷ phú Bitcoin đầu tiên trên thế giới. Đến nay, họ trở thành đồng sáng lập Gemini Capital, một nền tảng giao dịch tài sản kỹ thuật số thế hệ mới, đồng thời là chủ sở hữu Winklevoss Capital Management - một công ty đầu tư tư nhân hợp tác với các doanh nghiệp giai đoạn tiền khởi nghiệp. 
Còn Joe Lonsdale là đối tác sáng lập 8VC, một quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại San Francisco và là nhà đầu tư giai đoạn tiền khởi nghiệp của nhiều công ty đáng chú ý như Wish, Oculus, Blend, ZenReach, Color Genomics.Trong hai năm 2016 và 2017, anh là thành viên trẻ nhất có tên trong danh sách 100 Midas do Forbes bình chọn.
Các diễn giả chia sẻ những bài học kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam. Ảnh: MC.
Các diễn giả chia sẻ những bài học kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam. Ảnh: MC.
Để Việt Nam có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công, đối tác sáng lập 8VC Joe Lonsdale cho rằng, cần tạo độ thông thoáng trong hệ thống chính sách, có cơ chế mở để các startup có thể đề xuất vấn đề trực tiếp đến cơ quan quản lý. 
Nhiều ý kiến khác thì cho rằng Việt Nam cần xây dựng văn hóa khởi nghiệp thông qua giáo dục và đầu tư vào nguồn vốn con người. Cần cải tổ hệ thống giáo dục từ cấp bậc mầm non tới đại học; giáo dục trẻ em tư duy phê phán, dạy cho học sinh biết cách giải quyết vấn đề thay vì thụ động thu nạp kiến thức.
Bên cạnh đó cần có nhiều người Việt Nam hơn nữa tham gia làm việc tại Thung lũng Silicon (Mỹ), bởi đây là môi trường lý tưởng để ươm tạo, phát triển công nghệ và doanh nghiệp. Khi làm việc tại đây, họ không chỉ tích lũy được kiến thức, kỹ năng, công nghệ mà còn học hỏi cách vận hành, quản lý một doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây cũng là xu hướng được nhiều quốc gia đang phát triển thực hiện. 
Hai anh em nhà tỉ phú Cameron Winklevoss và Tyler Winklevoss cho rằng, dù phát triển lĩnh vực công nghệ gì cũng cần có khung pháp lý rõ ràng. Nếu không có, chắc chắn các doanh nghiệp khởi nghiệp không hoạt động được. 
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, với Việt Nam, dù xuất phát điểm thấp nhưng có tiềm năng và cơ hội lớn để cộng đồng khởi nghiệp bứt phá. Minh chứng là Chính phủ đã và đang chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển hạ tầng số và kinh tế số.
Hiện môi trường thể chế và kinh doanh đã cải thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển công nghệ mới. 
Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 đã khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo. Thông qua các định chế của Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, hoạt động đầu tư mạo hiểm cũng thuận lợi hơn.
Đến nay cả nước có trên 40 quỹ đầu tư trong và ngoài nước, hơn 50 khu không gian làm việc chung, 40 vườm ươm và tổ chức tăng tốc khởi nghiệp. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên công nghệ, tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới tăng nhanh (năm 2015, Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, năm 2017 tăng hơn 3.000).
Đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ đối với cộng đồng khởi nghiệp công nghệ, các diễn giả đều cho rằng, Việt Nam có tiềm năng về nguồn nhân lực công nghệ cao và có môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp. Thị trường công nghệ châu Á, trong đó có Việt Nam, hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển bởi nguồn nhân lực có tri thức và tố chất thông minh, chăm chỉ.
Minh Châu

CEO Vingroup: 'Việt Nam sẽ có thung lũng silicon như Mỹ'

Đăng Nguyên

Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, sau khi nghiên cứu kỹ mô hình thung lũng silicon của Mỹ, Vingroup quyết định thành lập Công ty Phát triển Công nghệ VinTech với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái tương tự, gọi là VinTech City ở Đông Anh (Hà Nội). Đây sẽ là môi trường ban đầu hỗ trợ các ý tưởng, dự án công nghệ được phát triển và đi vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Việt Quang. Ảnh: VT.
Ông Nguyễn Việt Quang. Ảnh: VT.
Với hơn 70 ha mặt bằng ở Đông Anh, VinTech City sẽ xây dựng các tòa văn phòng được trang bị đầy đủ máy tính, Internet... để các công ty khởi nghiệp có thể làm việc. Các startup đến đây làm việc sẽ yên tâm về các điều kiện lưu trữ dữ liệu, hỗ trợ pháp lý, nhân sự, thủ tục và tài chính kế toán... Startup cần lưu trú cũng có thể ở lại.
"Trong thời gian từ một đến ba năm đầu, các công ty công nghệ khởi nghiệp sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí thuê văn phòng và một phần hoặc toàn bộ phí dịch vụ còn lại", ông Quang nói và cho biết phần hỗ trợ là cho không, các ban quản lý dự án làm xong startup sẽ được hưởng.
Trong điều kiện cần vốn để phát triển thêm, nếu phù hợp định hướng của Vingroup, các dự án sẽ được đầu tư. Nếu không, VinTech City sẽ hỗ trợ tìm nhà đầu tư và giải pháp tài chính khác cho các startup này. 
"Chúng tôi làm như vậy vì biết các nhà khởi nghiệp trẻ về công nghệ sẽ gặp rất nhiều khó khăn nên tạo chất xúc tác, như mồi câu ban đầu giúp mọi người có nền tảng để phát triển, từ đó thúc đẩy cho ngành công nghệ của Việt Nam phát triển", ông Quang nói.
Những tên tuổi hàng đầu về công nghệ đều có mặt ở Silicon Valey. Ảnh: Aptech Media.
Những tên tuổi hàng đầu về công nghệ đều có mặt ở Silicon Valley. Ảnh: Aptech Media.
Với mục tiêu trở thành Tập đoàn công nghệ trong 10 năm tới, Vingroup đã triển khai những bước đi đầu tiên trong chiến lược. Trong đó, mảng thương mại - dịch vụ hiện có là chỗ dựa tài chính và cung cấp hệ sinh thái hỗ trợ công tác nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm công nghệ - công nghiệp. Mảng công nghiệp gồm ôtô và sản phẩm điện thông minh - gia dụng sẽ đẩy mạnh trên cả phương diện sản xuất và tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu.
Công nghệ sẽ là mảng chủ lực, trong đó đội ngũ nhân sự và hạ tầng để nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới và sản xuất phần mềm đang tập trung triển khai ở VinTech City.
GS Vũ Hà Văn, Đại học Yale (Mỹ) đã về làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Big Data) và tham gia điều hành Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng. GS Nguyễn Quốc Sỹ làm Viện trưởng viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech.
GS Nguyễn Quốc Sỹ cho biết, kế hoạch tập hợp các nhà khoa học công nghệ cao cấp là chuyên gia nước ngoài kết hợp với cán bộ nghiên cứu trong nước đã được xây dựng chi tiết. "Chúng tôi tích hợp theo từng đội và phát triển dần lên theo nhóm vấn đề nghiên cứu", GS Sỹ nói.
Còn CEO Vingroup cho biết, tập đoàn đã ký kết với hơn 50 đại học trong lĩnh vực khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam để chuẩn bị nguồn nhân lực gồm 100.000 kỹ sư cho 10 năm tới.
Thung lũng Silicon (Mỹ) còn được gọi là thung lũng điện tử, bao gồm phía bắc của thung lũng Santa Clara và một số cộng đồng kế cận của miền nam bán đảo San Francisco cùng vịnh Đông của nước Mỹ.
Frederick Terman có thể được coi là cha đẻ của thung lũng silicon khi phát triển thành công một loại mạch dao động mới và thành lập nên công ty startup công nghệ cao đầu tiên là HP (Hewlett-Packard) - một công ty máy tính với số vốn ban đầu 538 USD. Công ty này đã nổi danh thế giới sau đó.
Vào năm 1947, tại Bell Lab, Shockley cùng với hai đồng nghiệp là Bardeen và Brittain đã chế tạo thành công chiếc transitor bán dẫn đầu tiên. Ba người được nhận giải Nobel vào năm 1956. Sự ra đời của transitor đã đánh dấu sự chuyển mình của công nghệ điện tử.
Sau đó những tên tuổi hàng đầu trong giới công nghệ như: Adobe Systems, Advanced Micro Devices (AMD), Apple Computer, Cadence Design Systems, Cisco Systems, eBay, Electronic Arts, Facebook, Google hay Intel.... đều hình thành từ đây.
Bích Ngọc