Hai cách nhìn về chấm điểm xã hội dựa trên Big Data ở Trung Quốc

Sunday 4 November 2018 Đăng Nguyên


Chính sách tuyên truyền khác nhau về hệ thống tín nhiệm xã hội đã tạo ra khác biệt nhận thức giữa người dân Trung Quốc và quốc tế.

Tín nhiệm xã hội (Social Credit System - SCS) là một hệ thống quản lý xã hội đang được chính quyền Trung Quốc triển khai, lấy Big Data làm nền tảng và được hỗ trợ bởi công nghệ cùng các quy định pháp lý.

Tuy nhiên, không chỉ là một hệ thống hoặc cơ sở dữ liệu, đây là chính sách tổng thể mang tính tư tưởng, đi kèm cơ chế trừng phạt và khen thưởng đối với từng cá nhân trong xã hội. Được công bố lần đầu tiên năm 2014, chính phủ Trung Quốc dự định đưa vào triển khai toàn bộ hệ thống này vào năm 2020. Hiện tại, nó được áp dụng và thử nghiệm từng phần tại nhiều khu vực, thành phố trên khắp cả nước.

Nhưng trong con mắt của các phương tiện truyền thông xã hội phương Tây, hệ thống tín nhiệm xã hội mới này lại được mô tả như một "cốt truyện khoa học viễn tưởng với sắc màu ảm đạm".



Tìm kiếm về "tín nhiệm xã hội" tăng mạnh trên Google trong thời gian gần đây.


Từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2018, công cụ tìm kiếm Google cho biết đã đưa ra kết quả cho hơn sáu triệu lượt tìm kiếm cụm từ "hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc" bằng tiếng Anh. Số kết quả hiển thị cho cụm từ này rơi vào khoảng 160 triệu.

Số liệu thống kê của Google Trends cũng cho thấy sự quan tâm trên phạm vi toàn thế giới với hệ thống SCS đã đạt đỉnh trong nhiều năm qua. Black Mirror, loạt phim truyền hình thể loại kinh dị tâm lý chuyên nói về những mặt trái của công nghệ, là một trong những nội dung có liên quan nhất khi truy vấn tìm kiếm về SCS. Cụ thể nhất là một tập phim phát năm 2016, có tên Nosedive, nói về một xã hội nơi con người được đánh giá bằng cách xếp hạng họ dựa trên việc tương tác với người khác. Chỉ số xếp hạng này ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ hội của họ trong cuộc sống. Nội dung của tập phim thường được các trang tin tức quốc tế và nhiều trang blog kết nối làm dẫn chứng khi mô tả về SCS tại Trung Quốc. Trên mạng xã hội Twitter, hashtag #blackmirror cũng thường được gắn với các nội dung liên quan tới SCS.

Một video ngắn dài hai phút do Economist chia sẻ ngày 26/10 trên Twitter có tên "Hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc hoạt động như thế nào?" đã thu hút hơn 275.000 lượt xem. Sử dụng nhạc nền tạo cảm giác hồi hộp, nó giải thích SCS dưới góc nhìn về một hệ thống xâm phạm quyền riêng tư cá nhân. Video nói rằng hệ thống này sẽ "theo dõi hoạt động của mọi người trên Internet", bao gồm cả "những gì họ mua, xem và nói đều được phân tích". Bên cạnh đó là việc dữ liệu này sẽ được đánh giá dựa trên các quy tắc do chính phủ quy định. Nhiều người đã so sánh video này như một tập phim trong series Black Mirror. Đây chỉ là một trong hàng chục ví dụ về cách các phương tiện truyền thông quốc tế mô tả về SCS, với các cụm từ như "trừng phạt", "giám sát" và "điểm cá nhân".

Nhưng ngược lại, thuật ngữ SCS bằng tiếng Trung, chỉ có 19,2 triệu kết quả hiện ra khi kiểm tra bằng Google. Google Trends cũng cho thấy ít người quan tâm tới thuật ngữ này bằng tiếng Trung so với tiếng Anh. Một phần nguyên nhân có thể bởi Google bị chặn ở Trung Quốc, nên người dùng nước này không thể tiếp cận. Nhưng thậm chí cả trên Baidu, công cụ tìm kiếm phổ biến nhất ở quốc gia này, cũng chỉ có 7,7 triệu kết quả cho các truy vấn về SCS.

Trên Twitter, các đề tài về SCS thu hút sự chú ý và tương tác chỉ sau 5-10 phút. Còn trên Weibo, mạng xã hội tương tự Twitter, thậm chí có số người dùng lớn hơn, cần tối thiểu một tới 2 tiếng, các bài viết về chủ đề này mới được thảo luận. Thậm chí chúng không hề có lượt yêu thích hoặc bình luận.

Các minh chứng trên nói lên một điều rằng trong khi cả thế giới đang xôn xao và tò mò về hệ thống tín nhiệm xã hội thì ở chính Trung Quốc, nơi hệ thống này đang được thử nghiệm, người dân lại không quá quan tâm.



Những người phạm tội bị cho vào "danh sách đen" về tín nhiệm xã hội, hiển thị công khai trên màn hình LED trước cửa tòa án ở một thành phố thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.


Lý giải một phần cho thái độ "thờ ơ" này, chính là từ chính sách tuyên truyền và vận động khéo léo của chính quyền Trung Quốc. Nó tương phản hoàn toàn với cách mà các chủ đề được thảo luận trên báo chí hay mạng xã hội phương Tây.

Trong khi báo chí quốc tế sử dụng các từ ngữ như "đáng sợ", "ớn lạnh", "rủi ro", "đáng báo động" để mô tả và cảnh báo về SCS, truyền thông Trung Quốc lại dùng các tiêu đề với những từ ngữ như "tin cậy", "hài hòa", cùng với hình ảnh các quan chức đang họp trong các bài viết tuyên truyền.

Thống kê trên các tờ báo truyền thông nhà nước bằng tiếng Trung về nội dung liên quan tới SCS như Sina News, People’s Daily hay Guangming Daily, các cụm từ xuất hiện khá nhiều là "tin cậy", "xây dựng" bên cạnh các thuật ngữ như "cùng tận hưởng", "hợp tác" và "đoàn kết".

SCS được nhắc tới trên các tờ báo nhà nước một cách trực diện, với các chủ đề như "Hệ thống tín nhiệm xã hội đang tới, bạn đã sẵn sàng chưa?". Người dân được nhắc nhở về các điều khoản và sự tồn tại của "danh sách đen", những việc mà họ cần phải "tránh càng xa càng tốt".

Trên mạng xã hội Weibo, SCS không được thảo luận một cách công khai và trực tiếp. Nhưng nếu để ý theo dõi, nhiều người sẽ nhận ra nó tồn tại dưới những chủ đề khác nhau, có liên quan và dễ lan truyền trong cộng đồng. Hồi đầu năm, những cái tên đầu tiên trong danh sách "mất lòng tin", hay những người có điểm tín nhiệm thấp do vi phạm pháp luật hoặc không tuân thủ quy tắc xã hội, đã được báo cáo lên Cục hàng không và đường sắt để hạn chế việc đi du lịch. Một loạt thành phố được tuyên dương vì đã thành công trong việc xây dựng nền tảng của hệ thống quản lý tín nhiệm. Nhiều sáng kiến thưởng phạt dựa trên điểm tín nhiệm xã hội bắt đầu được áp dụng. Có thành phố đưa ra quy trình từ chối cho những người có điểm tín nhiệm thấp nộp đơn xin việc vào doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp cũng ủng hộ tích cực bằng cách đưa ra các ưu đãi về sử dụng dịch vụ công cộng như mượn sách hay thuê xe đạp.



Người phụ nữ trong video "vi phạm quy tắc xã hội", tạo làn sóng phản đối mạnh mẽ trên Weibo ở Trung Quốc.


Đơn cử hai video có cùng nội dung về "câu chuyện trên tàu cao tốc" được lan truyền mạnh mẽ cách đây vài tháng. Một ghi lại cảnh một người đàn ông cướp ghế của hành khách khác trên chuyến tàu tốc hành tới Bắc Kinh cuối tháng 8. Video còn lại là câu chuyện về một người phụ nữ ở Hồ Nam, trên chuyến tàu tới Thâm Quyến vào tháng 9, đã hành xử một cách thô lỗ, không chịu trả ghế cho người có vé. Thậm chí khi nhân viên quản lý tàu tới, cô vẫn không chịu rời chỗ, thô lỗ nói rằng đã mua vé và sẽ ngồi đây cho tới khi tàu đến ga của mình. Video này thu hút hơn 600 triệu lượt xem, trở thành một trong những nội dung tin tức gây chú ý nhất thời điểm đó.

Sau đó, có thông tin nói rằng người phụ nữ đã bị phạt 200 nhân dân tệ (khoảng 28 USD) và đưa vào "danh sách đen" về tín nhiệm xã hội, bị cấm đi tàu trong 180 ngày. Rất nhiều người dùng mạng Internet đã lên tiếng ủng hộ hệ thống này, đồng thời cho rằng hình phạt vẫn còn quá nhẹ. Nhiều người khác nói rằng hệ thống cần áp dụng thêm tại các khu vực công cộng khác như bệnh viện, sân bay và thậm chí là toàn quốc.

(theo Whatsonweibo)

Bảo Nam

0 comments:

Post a Comment