Công nghệ video 3D mới đe dọa sự tồn tại của VAR

Monday 2 July 2018 Đăng Nguyên


Công nghệ tái tạo trận đấu bóng đá dưới dạng 3D hứa hẹn hỗ trợ trọng tài tốt hơn, thậm chí đe dọa sự tồn tại của VAR.

Theo Forbes, mới đây các chuyên gia thuộc Đại học Washington đã bắt tay với Facebook và Google phát triển thành công công nghệ mới cho phép chuyển đổi bất kỳ đoạn phim về môn thể thao nào thành một video 3D hoàn chỉnh, sau đó hiển thị trên mặt phẳng như bàn hay sàn nhà. Hình ảnh này có thể trải nghiệm bằng kính thực tế ảo (VR) hoặc mô phỏng dưới dạng thực tế tăng cường (AR).


Video mô phỏng công nghệ video 3D dùng trí tuệ nhân tạo và ứng dụng cho các tình huống bóng đá.

Để thực hiện, nhóm nghiên cứu gồm Konstantinos Rematas, Ira Kemelmacher-Shlizerman, Brian Curless và Steve Seitz đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó sử dụng công nghệ đặc biệt có tên mạng neural gấp nếp (Convolutional Neural Network – CNN) để phân tích, tính toán chiều sâu của toàn bộ không gian khung hình cũng như các vật thể xuất hiện trên sân (gồm cả cầu thủ). AI này được huấn luyện để có thể tính toán chính xác, thậm chí là đoán trước di chuyển của vật thể đó.

Trong đoạn video thử nghiệm, có thể thấy một trận đấu bóng đá hoàn toàn hiển thị mượt mà dưới dạng 3D trên mặt bàn và người xem có thể theo dõi các cầu thủ một cách sinh động.



Có thể trải nghiệm VAR bằng thực tế tăng cường...




... hoặc thông qua kính thực tế ảo.


Hiện tại, nó chỉ chiếu một video dựng lại, chưa thể trực tiếp một trận đấu theo thời gian thực. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang kỳ vọng sẽ tích hợp tính năng này trong tương lai. Video 3D không chỉ mang lại trải nghiệm xem bóng đá mới, mà còn hỗ trợ các trọng tài trong việc xác định tình huống trận đấu.

Thậm chí, các chuyên gia còn cho biết trọng tài hoàn toàn xác định các pha phạm lỗi, tình huống tranh cãi qua video 3D thay cho VAR - công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video (Video Assistant Referee). Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi video 3D kiểu mới có góc nhìn trực quan hơn.

Bên cạnh đó, công nghệ dựng mới cũng chỉ cần một người điều hành là đủ bởi mọi thứ đã được camera ghi lại. Nó sẽ giúp tiết kiệm nhiều nhân lực hơn VAR, vốn có tới bốn trọng tài ngồi bên trong và quan sát hình ảnh truyền về từ khoảng hơn 30 máy quay.

Công nghệ video 3D này vừa được nhóm nghiên cứu trình bày tại Hội nghị IEEE về Thị giác Máy tính và Nhận dạng Khuôn mẫu (Computer Vision and Pattern Recognition).

VAR có vai trò chính là hỗ trợ việc ra quyết định của các trọng tài chính trên sân cỏ thông qua quá trình phân tích trực tiếp video hình ảnh của các tình huống va chạm, sút phạt, ghi bàn... trên sân. "Bộ não" của hệ thống VAR là một phòng vận hành video tập trung (VOR) được đặt tại Trung tâm truyền thông quốc tế IBC ở thủ đô Moskva (Nga), nơi thu nhận thông tin truyền về bằng cáp quang từ 12 sân vận động nơi diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2018. Các thông tin dạng video này được truyền về từ 33 camera khác nhau, trong đó có 8 camera quay chậm và 6 camera quay siêu chậm tại mỗi sân vận động. Ngoài ra, hệ thống cũng truy xuất thông tin từ 2 camera chuyên để bắt việt vị, được bố trí để hỗ trợ riêng cho đội ngũ trợ lý trọng tài.

World Cup 2018 tại Nga là lần đầu tiên VAR được áp dụng tại một kỳ World Cup. Trước đó, công nghệ này đã được thử nghiệm ở giải Bundesliga của Đức, Serie A của Italy và một số trận đấu thuộc FA Cup và League Cup của Anh. Dù mục đích là đảm bảo công bằng, một số người cho rằng nó sẽ làm giảm cảm xúc trong bóng đá. Hơn nữa, việc sử dụng VAR cũng thường làm kéo dài thời gian "chết" giữa trận đấu, tăng số phút bù giờ.

Bảo Lâm

0 comments:

Post a Comment