CSGT Đà Nẵng lập facebook: ''Dám lắng nghe dân là điều quý''

Tuesday 20 December 2016 Tân Nguyễn

“Chính quyền dùng kênh facebook là điều quý. Điều này chứng tỏ cơ quan quản lý, chính quyền đã dám lắng nghe, đó là cái tốt”, PGS, TS. Đặng Ngọc Dinh nói.

Sau facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi – Xanh – Sạch – Đẹp”, TP.Đà Nẵng tiếp tục có kênh facebook của CSGT CA TP.Đà Nẵng.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS, TS. Đặng Ngọc Dinh Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (thuộc VUSTA) về kênh tiếp nhận thông tin mới này của các cơ quan quản lý Nhà nước.

TS Đặng Ngọc Dinh: "Nghe nhưng phải sửa". Ảnh internet.

CSGT CA TP.Đà Nẵng vừa mở trang facebook tiếp nhận các ý kiến, đóng góp của người dân. Ông đánh giá sao về việc này?

Thứ nhất chính quyền dùng kênh facebook tiếp nhận đóng góp là điều quý rồi! Điều này chứng tỏ cơ quan quản lý, chính quyền đã dám lắng nghe, đó là cái tốt. Việc nghe về giao thông hay thực phẩm... đều tốt cả.

Bất kể hành động gì mà lắng nghe ý kiến được của người dân, không phải tập trung theo kiểu đại biểu, hay chọn lựa điều đó càng quý hơn. Bất kể người dân là thành phần nào đều được có ý kiến. Cơ quan quản lý Nhà nước có thể lắng cả ý kiến thuận, lẫn ngược.

Trước đây, một số người quan niệm facebook là nơi toàn nói ngược. Thậm chí, có người từng phát biểu là “50% người dùng facebook là vô công rồi nghề”, nhưng ở đây những người dùng facebook là người rất tích cực.

Thực tế một vài sự việc được CSGT TP. Đà Nẵng giải quyết ngay, rõ ràng hiệu quả của kênh facebook của CSGT CA TP. Đà Nẵng được minh chứng ngay. Đặc biệt nó cho thấy, facebook không phải chỉ là nơi viết linh tinh! Dù các ý kiến đóng góp có 70% tâm huyết, 30% không tâm huyết thì cũng có “bộ lọc” bớt các thông tin không tập trung vấn đề rồi. Đó là điều rất quý.

Nhưng rõ ràng chọn lĩnh vực của CSGT để mở kênh tiếp nhận cho thấy, đơn vị này sẵn sàng lắng nghe, xử lý cả chuyện tiêu cực của ngành?

Về việc chọn vấn đề giao thông để tiếp nhận các ý kiến, phản ánh cũng thể hiện mong muốn xây dựng một đô thị văn minh. Giao thông ở đây không chỉ có chuyện phạt. Giao thông ở đây còn là quy hoạch, cầu cống, đường xá, tắc đường… Tôi lấy ví dụ như ở nhiều thành phố lớn, đặc biệt như Hà Nội lại cấm taxi mà lại không cấm xe con. Taxi cũng là một loại xe con, thậm chí taxi có thể chở 2, 3 người còn xe con đôi khi có 1 người. Taxi là công cộng, tại sao cấm phương tiện công cộng mà lại cho xe cá nhân đi được? Đó cũng là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc về giao thông hiện nay. Có kênh phản ánh là facebook có thể nhiều người sẽ phản ánh vấn đề này.

Qua góp ý, người dân nói lên những bất cập, những cái gì không hợp thực tiễn sẽ được đề cập. Chính quyền mà đã có kênh, đã làm, đã lắng nghe những phản ánh tích cực, tiêu cực như vậy là chính quyền có mong muốn điều chỉnh. Đó là điều cực kỳ quý. Có thể sau đó, có thêm facebook lắng nghe về thực phẩm nữa. Đó là dấu hiệu tốt của một đô thị. Tôi mong là không chỉ có TP. Đà Nẵng mà đô thị nào cũng sẽ học tập, lựa chọn vấn đề để nhân rộng kênh tương tác với người dân nhanh, đơn giản này.

Như ông nói là việc chính quyền mở kênh facebook tiếp nhận ý kiến như thế đô thị nào cũng nên có. Thực tế, một số đô thị khác cũng đã mở kênh facebook của ủy ban TP đó nhưng dường như hiệu quả tức thì ít nơi làm được như Đà Nẵng?

Nghe nhưng phải sửa mới là đích đến cuối cùng của việc lắng nghe phản ánh của người dân. Nếu nghe mà để đấy thì không ăn thua. Theo tôi muốn sửa căn bản thì những người quản lý phải có tâm và tầm.

Rõ ràng, câu chuyện lại quay về lựa chọn người đứng đầu ở các cơ quan quản lý Nhà nước. Còn việc lập facebook tiếp nhận mới là tốt ở khâu quản trị tốt. TP. Đà Nẵng đã chuyển từ quản lý sang quản trị tốt có sự tham gia của người dân một cách cởi mở. Theo tôi đánh giá, đây là một việc làm khích lệ người dùng facebook.

Thực tế, cơ quan công quyền hiện nay vẫn đang có hòm thư, đường dây nóng, số điện thoại để người dân góp ý nhưng tại sao kênh facebook có vẻ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân như vậy? Điển hình là facebook của CSGT CA TP. Đà Nẵng mới đi vào hoạt động từ ngày 5/12 chỉ sau một ngày đã lên đến gần 3.000 thành viên.

Thực tế các kênh tiếp nhận, phản ánh thông tin theo hình thức hòm thư, điện thoại chỉ có tương tác giữa 2 người với nhau, cộng đồng khó giám sát việc phản ánh và xử lý phản ánh. Nhưng facebook sẽ khác hẳn, tính cởi mở, công khai, gần gũi, tương tác rõ ràng là hơn hẳn các phương thức cũ. Đó là một trong những việc làm đơn giản góp vào xây dựng đô thị thông minh.

0 comments:

Post a Comment