Jack Ma là 'fan cuồng' của tiểu thuyết Kim Dung

Wednesday 31 October 2018 Đăng Nguyên


Người sáng lập ra Alibaba đặc biệt yêu thích nhân vật Phong Thanh Dương trong bộ truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Từng chia sẻ nhiều lần trước báo giới, Jack Ma, một trong 5 tỷ phú công nghệhàng đầu Trung Quốc, cho biết ông thần tượng Kim Dung, tiểu thuyết gia kiếm hiệp nổi tiếng.

Ông chủ của Alibaba yêu mến đến mức cuồng nhiệt các tác phẩm đậm chất võ thuật và kiếm hiệp của nhà văn. Ông thừa nhận điều đó đã ảnh hưởng đến các giá trị cốt lõi của bản thân cũng như triết lý kinh doanh của tập đoàn mà mình sáng lập.

Kết bạn với Kim Dung kể từ khi mới lập nghiệp nhưng tới ngày kỷ niệm một năm thành lập Alibaba, tháng 9/2000, Jack Ma mới quyết định mời Kim Dung từ Hong Kong sang Hàng Châu để tham dự sự kiện "Tây Hồ luận kiếm". Cuộc gặp gỡ đã chính thức công khai mối quan hệ thân thiết giữa hai người. Cũng trong sự kiện, Kim Dung đã viết tặng Jack Ma một bức thư pháp. Tác phẩm sau đó được ông chủ Alibaba hết sức quý trọng.



Jack Ma và Kim Dung tại sự kiện "Tây Hồ luận kiếm" năm 2000.


Theo Technode, nhân vật yêu thích nhất của Jack Ma trong thế giới kiếm hiệp Kim Dung là Phong Thanh Dương, trong cuốn tiểu thuyết Tiếu Ngạo Giang Hồ. Trong truyện, người này là thái sư thúc (sư đệ của sư phụ của sư phụ) của chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần, cũng là thái sư thúc tổ của nhân vật Lệnh Hồ Xung. Phong Thanh Dương ẩn cư trên đỉnh Hoa Sơn và chỉ xuất hiện một lần, truyền thụ bí kíp Độc cô cửu kiếm cho Lệnh Hồ Xung. Nhân vật này sau đó không xuất hiện và chỉ được biết đến qua những lời ca tụng của các nhân vật khác về tài năng và nhân phẩm của ông.

Trong một chương trình nói chuyện trên truyền hình, Jack Ma nói rằng ông đặc biệt đánh giá cao khả năng của Phong Thanh Dương trong việc giải quyết vấn đề theo cách độc đáo. Bên cạnh đó là việc ông đã dạy dỗ được Lệnh Hồ Xung, từ một kẻ lang thang thành người học trò tài năng. Bản thân từng là giáo viên, do đó Jack Ma luôn muốn các sinh viên và đồng nghiệp của mình có thể thành công vượt trội ông trong cuộc sống.

Năm 2017, tình yêu võ thuật của Jack Ma một lần nữa được thể hiện khi ông sản xuất và đóng vai chính trong bộ phim điện ảnh ngắn mang tên Không Thủ Đạo. Bộ phim có sự góp mặt của các ngôi sao điện ảnh như Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Ngô Kinh... Ca khúc chính mang tên Phong Thanh Dương được Jack Ma song ca cùng nữ ca sĩ Vương Phi.



Video Player is loading.
Dừng
Hiện tại 0:04
/
Thời lượng 1:50
Đã tải: 0%

Tiến trình: 0%
Bỏ tắt tiếng
Toàn màn hình



Jack Ma múa võ trong phim Không Thủ Đạo.

Ảnh hưởng từ niềm đam mê võ thuật và tiểu thuyết kiếm hiệp của ông chủ, các nhân viên tại Alibaba cũng tự đặt cho mình và đồng nghiệp các biệt danh lấy cảm hứng từ phong cách "võ lâm giang hồ". Đội ngũ lãnh đạo của công ty là những người nhanh nhạy nhất, khi chọn hết các nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết của Kim Dung.

Shao Xiaofe, Giám đốc quản lý rủi ro của Alibaba, có biệt danh "Quách Tĩnh". Ông cho biết cái tên thể hiện những đức tính trung thực, lòng trung thành và yêu nước, giống như tính cách của nhân vật này trong tiểu thuyết Anh Hùng Xạ Điêu. Trước khi vào làm tại Alibaba, Shao từng là sĩ quan cảnh sát hơn 20 năm.

Các quản lý trong bộ phận dịch vụ khách hàng của Alibaba thì được gọi là "tiểu nhị", thuật ngữ trong các tiểu thuyết kiếm hiệp dùng để gọi những nhân viên chuyên phục vụ thức ăn.

Khi tên các nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp bị chọn hết, mọi người bắt đầu tìm những biệt danh mới từ phim ảnh, truyền hình, truyện tranh, hoạt hình... Chỉ cần không mang ý nghĩa tiêu cực, mọi biệt danh đều được chấp nhận. Nhận biệt danh dần được xem là nghi thức chào đón nhân viên mới tại Alibaba.

"Chọn một biệt danh mang tới cơ hội để xác định lại bản thân của một người, cũng như định hướng người mà bạn muốn trở thành", Richard Xu, kỹ sư của Cainiao, một chi nhánh của Alibaba cho biết. Xu chọn cho mình cái tên "Jiangdu", có nghĩa là "vượt sông", dựa theo một truyền thuyết cổ. "Theo phong thủy Trung Quốc, cuộc sống của tôi thiếu yếu tố nước", Xu chia sẻ. "Lấy một tên liên quan đến nước có thể mang lại sự cân bằng".

Một số đồng nghiệp của Xu chọn các biệt danh mang ý nghĩa vui tươi hơn như "Thổ hào" (thuật ngữ chỉ người giàu có). Một kỹ sư lập trình chọn là Jiawa (hay Giáp Oa) vì nó phát âm gần giống với từ Java.

Kim Dung tên thật Tra Lương Dung, sinh năm 1924 ở Chiết Giang, Trung Quốc. Năm 1948, ông tới Hong Kong sinh sống, làm việc, được đông đảo độc giả hâm mộ bởi hàng loạt tiểu thuyết võ hiệp đặc sắc như Thiên Long Bát Bộ, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Lộc Đỉnh Ký, Tiếu Ngạo Giang Hồ... Ông được mệnh danh là "Thái Sơn, Bắc Đẩu" trong giới tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp. Nhà văn đã mất vì tuổi cao, bệnh tật tại Hong Kong hôm 30/10, hưởng thọ 94 tuổi.

Bảo Nam

0 comments:

Post a Comment