Ba bước để chuyển đổi số thành công

Monday 24 June 2019 Đăng Nguyên

Tại hội thảo về Giải pháp công nghệ chuyển đổi số diễn ra cuối tuần qua ở TP HCM, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA VSTI, nói chuyển đổi số là "tự thay đổi để trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn như thay đổi về tư duy, thay đổi cơ cấu sản phẩm và dịch vụ, quy trình hoạt động, cơ cấu tổ chức...".

Để chuyển đổi số thành công, trước hết cần nhận thức về nhu cầu chuyển đổi số. Nhận thức này phải thấm đến các thành viên chủ chốt trong doanh nghiệp.

Thứ hai, chiến lược dữ liệu phải chiếm vị trí trung tâm trong hệ thống thông tin của một doanh nghiệp thông minh. "Chiến lược dữ liệu phải bao gồm một bản thiết kế tổng thể hạ tầng dữ liệu, phân rõ trách nhiệm quản lý và khai thác dữ liệu trong công ty cũng như trình tự xây dựng hạ tầng dữ liệu này", ông Quang nhấn mạnh.

Thứ ba, phải mô tả tường minh các quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Các quy trình hiện tại sau đó phải thiết kế lại theo hướng tự động hóa tối đa các bước trên cơ sở sử dụng dữ liệu để ra quyết định, đồng thời tích hợp việc thu thập, cập nhật dữ liệu vào hạ tầng dữ liệu. Hệ thống điều hành doanh nghiệp cũng được số hóa sao cho việc tuân thủ quy trình trở nên dễ dàng và không tốn thời gian.

Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA VSTI.

Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA VSTI.

Theo đại diện của VINASA, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), đám mây (Cloud)... Nghe có vẻ cao xa nhưng thực ra đã sẵn sàng và không đắt đỏ như một số doanh nghiệp nghĩ.

"Mọi con đường dù dài đến đâu cũng bắt đầu bằng các bước nhỏ. Bước đầu tiên có lẽ là sắp xếp lại dữ liệu bạn có", ông Quang nói. "Trong chuyển đổi số, dữ liệu, bao gồm cả ghi nhận, thu thập, tích lũy và khai thác, sẽ đóng vai trò trung tâm. Không có dữ liệu thì không có AI, không có AI thì hệ thống không thể đủ thông minh để cạnh tranh trong tình hình mới.

Đồng quan điểm, ông Lê Công Hiếu, chuyên viên tư vấn của FSI, cho biết nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thành công trong quá trình chuyển đổi số như Airbnb kết nối người cần thuê phòng với người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua điện thoại di động. Tài sản quan trọng nhất của Airbnb, Uber hay Foody... Đều là dữ liệu.

Chuyển đổi số là quá trình xây dựng hạ tầng số của doanh nghiệp với đầy đủ các yếu tố: thiết bị, kết nối, dữ liệu, ứng dụng, pháp lý, nhân lực. Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ những điều lớn lao mà có thể đi từng bước nhỏ nhưng lại đem lại hiệu quả cao. Tại hội thảo, FSI giới thiệu một số dòng máy scan như Plustek, giải pháp Ione nhận dạng tài liệu tự động thông qua việc nhận dạng, bóc tách, thu thập data hay phần mềm quản lý hồ sơ tài liệu lưu trữ DocEye, giải pháp số hoá tạo lập cơ sở dữ liệu lớn...

"Mỗi doanh nghiệp có thể biến mình từ doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số, từ văn phòng chất chồng đầy hồ sơ, tài liệu thành văn phòng không giấy tờ, thông qua việc sử dụng các máy scan để số hóa tài liệu, tạo dựng được cơ sở dữ liệu số cho doanh nghiệp", ông Hiếu nhận định.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), không ít doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đúng vai trò của chuyển đổi số trong cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% tổng số doanh nghiệp nhưng trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có gần 80% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990. Trong khi đó, theo báo cáo về chỉ số phát triển kỹ thuật số của Cisco, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số (10,7%).

0 comments:

Post a Comment