AI được sử dụng để đếm người biểu tình tại Hong Kong

Thursday 4 July 2019 Đăng Nguyên

Lần đầu tiên trong lịch sử, trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng để đếm số lượng người trong các cuộc diễu hành và biểu tình.

Số liệu đám đông ủng hộ dân chủ tại Hong Kong là một trong những điểm gây tranh cãi trong nhiều năm, bởi nhóm lãnh đạo biểu tình và cảnh sát đưa ra các ước tính rất khác nhau. Cuộc biểu tình hôm 1/7 cũng không ngoại lệ. Nhóm lãnh đạo cho biết có 550.000 người tham dự, trong khi đại diện cảnh sát nói rằng chỉ có 190.000 người tham gia lúc cao điểm. Tuy nhiên, mới đây một nhóm nghiên cứu đã kết hợp AI và kỹ thuật đếm thủ công để ước tính số lượng đám đông. Dựa trên số liệu có được, nhóm này kết luận có 265.000 người tuần hành tại Hong Kong ngày 1/7 vừa qua.

Hệ thống đếm số người trong đám đông dựa trên AI của Giáo sư Yip và cộng sự nghiên cứu. Ảnh: NYTimes.

Hệ thống dựa trên AI do Giáo sư Yip và cộng sự nghiên cứu có thể đếm số người trong đám đông. Ảnh: NYTimes.

Từ năm 2003, Paul Yip, Giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Hong Kong, đã tạo một công cụ đếm số lượng người tham gia xuống đường tổ chức hàng năm vào 1/7 - ngày Anh bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc (1997). Với mục tiêu đưa ra con số ngày càng chính xác, Giáo sư Yip đã hợp tác với nhà nghiên cứu Edwin Chow từ Đại học bang Texas (Mỹ) và chuyên gia Raymond Wong từ công ty công nghệ C&R Wise sử dụng trí thông minh nhân tạo để đếm đám đông khi diễu hành.

Việc phát hiện và theo dõi chuyển động chính xác của một người trong đám đông đang di chuyển hết sức khó khăn. Hệ thống của Yip đã hạn chế điều đó bằng cách cho AI "học đếm" thông qua các video từ nhiều tuần trước.

Hôm 1/7, nhóm nghiên cứu đã gắn 7 chiếc iPad dọc hai bên tuyến đường mà người biểu tình đổ tới. "Việc sử dụng iPad nhằm tăng tính di động, cũng như phần mềm chạy trên máy tính bảng này dễ vận hành", Yip giải thích.

Bên cạnh máy móc, tình nguyện viên cũng đứng ở trên cao, được trang bị máy ảnh để ghi lại số lượng người trong đám đông nhằm hỗ trợ kết quả đếm chính xác hơn.

Khi khởi chạy hệ thống, phần mềm sẽ ghi lại hàng loạt thông số nhằm theo dõi mọi thứ trong đám đông, như giá trị độ sáng, màu sắc, hình dạng, hình học của các pixel hình ảnh chạy trên màn hình (gọi chung là tín hiệu thị giác) cũng như sự thay đổi mật độ con người, tốc độ dòng người di chuyển và điều kiện ánh sáng. Một người được ghi nhận trên bảng tính khi họ vượt qua ngưỡng gọi là dòng đếm trong khung của video.

Trước khi đưa vào ứng dụng hôm 1/7, Giáo sư Yip và nhóm nghiên cứu đã chạy thử hệ thống trí tuệ nhân tạo của mình ở một cuộc biểu tình khác cũng tại Hong Kong hôm 16/6 và đạt được thành công nhất định. Dự kiến, nhóm sẽ mở rộng hệ thống của mình bằng cách thiết lập nhiều máy tính bảng hơn, tăng cường khả năng nhận dạng của AI và giảm lượng nhân lực hỗ trợ xuống mức tối đa.

Như Phúc (theo NYTimes)

0 comments:

Post a Comment