Hậu trường 'người mẹ bên bể bơi' phản ánh một xã hội sống ảo

Thursday 4 July 2019 Đăng Nguyên

Thay vì chơi cùng con, người mẹ chỉ mải gọi điện hoặc bắt con chụp selfie với mình bên những món đồ sắp đặt để đăng lên mạng xã hội.

"Mạng xã hội không phải lúc nào cũng thật. Nó thường xuyên được sắp đặt, dàn dựng", một người có tên Jen Flint đã viết "tâm thư" lên Facebook gửi tới những người mẹ trẻ sau những gì cô chứng kiến ở bể bơi cuối tháng 6.

Tại một bể bơi ở Florida (Mỹ), Flint thấy một người mẹ đi cùng con gái 6 tuổi. Vài phút đầu, người mẹ bận nói chuyện với bạn qua điện thoại trong khi cô bé đứng chờ để được bơi. Người mẹ kết thúc cuộc gọi, bắt đầu bày một số đồ trang trí và tuýp kem chống nắng lên một chiếc khăn. Sau khi tìm được góc chụp phù hợp, bà rút tripod và chụp vài kiểu ảnh với con. Cô bé hỏi mẹ đã được xuống bể bơi chưa. Người mẹ bảo chờ chút và tại tiếp tục chụp một số ảnh trên thành bể, xuống dưới nước rồi lại lên bờ.

Sau khi màn "sống ảo" kết thúc, cô bé chơi một mình dưới bể khoảng 10 phút trước khi tuýp kem chống nắng (chưa hề được dùng đến) và những món đồ trang trí được thu dọn lại để hai mẹ con ra về. Mục đích chuyến đi dường như là để chia sẻ lên Instagram những bức ảnh "hoàn hảo" về một ngày "hoàn hảo" của hai mẹ con.

"Ở một nơi nào đó khác, một người mẹ khác ở nhà chăm con với mái tóc rối bù, quần áo luộm thuộm và đồ chơi vương vãi. Cô mệt mỏi vì cả ngày nấu nướng, dọn dẹp và chơi với con. Cô sẽ thấy bức ảnh kia và tự so sánh mình với người mẹ 'hoàn hảo' bên bể bơi và thấy bản thân thật kém cỏi, thất bại", Flint viết.

Bức thư đã nhanh chóng thu hút 194.000 lượt Like, 2.200 bình luận và 135.000 lượt chia sẻ. Theo Fox News, Flint cho biết không ít người bạn của cô cũng hay so sánh bản thân với những gì họ thấy trên mạng xã hội.

Ảnh: DIY Photography.

Ảnh: DIY Photography.

Điều này được chứng minh qua nghiên cứu "Envy on Facebook: A Hidden Threat to Users' Life Satisfaction?" (Sự ghen tị trên Facebook: Mối đe dọa tiềm ẩn tới sự hài lòng với cuộc sống) được Đại học Humboldt và Đại học kỹ thuật Darmstadt thực hiện từ năm 2013.

Theo kết quả công bố, cứ ba người tham gia khảo sát thì có một người cảm thấy chán, thất vọng sau khi truy cập Facebook. Những ai có thói quen đọc thông tin hơn là chia sẻ nội dung lên mạng lại càng bị tác động nhiều hơn.

Nội dung gây "ức chế" nhất chính là ảnh du lịch khi hơn một nửa số người tham gia thừa nhận họ thấy sự ghen tị nổi lên khi click vào các album mô tả cảnh bạn bè họ đi chơi, nghỉ mát... Nội dung tạo sự đố kỵ thứ hai là khi số lời chúc mừng sinh nhật bạn bè nhiều hơn so với của họ trước đó hoặc khi bạn bè nhận được quá nhiều "like", bình luận cho những bức ảnh, status và nội dung khác mà họ đăng lên. Khảo sát cũng nhận thấy người ở độ tuổi 30 dễ ghen với hạnh phúc gia đình của người khác trong khi phụ nữ lại chạnh lòng khi thấy người khác đẹp hơn, dùng đồ đắt tiền... Hơn họ.

Chính những cảm giác này khiến không ít người tích cực khoe trên Facebook để tự huyễn hoặc bản thân hoặc khiến người khác cũng phải ghen tị với họ. Chẳng hạn, đàn ông thường "đánh bóng" bằng cách kể những thành tích đạt được trong công việc, sắm nhà cửa, xe hơi... Trong khi phụ nữ thích khoe hình ảnh xinh đẹp, được nhiều người khen, được chồng tặng những món quà xa xỉ...

Tương tự, cuối năm 2018, Đại học Pennsylvania (Mỹ) cũng công bố nghiên cứu thể hiện rõ mối quan hệ nguyên nhân - kết quả giữa việc dùng mạng xã hội và các vấn đề tâm lý. "Mạng xã hội là nơi để kết nối, nhưng thật hài hước là giảm vào mạng xã hội lại khiến bạn bớt cô đơn. Thực tế, khi xem những thứ người khác chia sẻ trên mạng, như trên Instagram, bạn có thể dễ dàng suy ra rằng cuộc sống mọi người đều tuyệt vời hơn của bạn", Melissa Hunt, trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định.

0 comments:

Post a Comment