Dấu mốc Viettel hiện thực hóa chiến lược 'Make in Vietnam'

Thursday 4 July 2019 Đăng Nguyên

Sự ra đời của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel không chỉ là bài toán thuần về kinh tế và thương mại, theo đại diện Viettel.

Cuối tháng 5 vừa qua, Viettel chính thức thông báo thành lập Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Technology Industries Corporation - VHT). Đơn vị tập trung vào hai lĩnh vực gồm: công nghiệp quốc phòng và công nghiệp điện tử viễn thông.

Phía Viettel cho biết sự ra đời của VHT dựa trên cơ sở sát nhập ba đơn vị bao gồm: Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel (năm 2011), Trung tâm nghiên cứu công nghệ mạng Viettel (năm 2014), Trung tâm nghiên cứu phát triển vi mạch Viettel (năm 2017).

Theo ông Lê Đăng Dũng - Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, giai đoạn đầu của VHT kéo dài từ năm 2011 đến 2013. Lúc này doanh nghiệp tập trung nghiên cứu các nền tảng, công nghệ lõi để định hình các dòng sản phẩm và bước đầu chế tạo thử nghiệm.

VHT từng bước làm chủ được thiết bị hạ tầng viễn thông từ lớp truy nhập đến lớp mạng lõi, từ truyền dẫn đến di động. Trong ảnh: Hệ thống trạm thu phát sóng 4G (eNodeB)

VHT từng bước làm chủ được thiết bị hạ tầng viễn thông từ lớp truy nhập đến lớp mạng lõi, từ truyền dẫn đến di động. Trong ảnh: Hệ thống trạm thu phát sóng 4G (eNodeB)

Giai đoạn tiếp theo, từ năm 2014 đến 2016, Viettel từ chỗ thuần túy nghiên cứu, đã có những sản phẩm trang bị thực tế cho các đơn vị trong nước. Giai đoạn thứ 3, từ năm 2017 đến nay, Viettel thực hiện chuẩn hóa hệ thống quy trình theo quy chuẩn quốc tế và thương mại hoá các sản phẩm ra thị trường thế giới.

"Cũng trong 8 năm này nhiều sản phẩm về dân sự, quốc phòng đã được chế tạo từ 'lò nghiên cứu' Viettel, trong bối cảnh không có nhiều người có niềm tin bởi định kiến 'đất nước không sản xuất nổi con ốc vít đúng nghĩa'", đại diện doanh nghiệp cho biết.

Trong lĩnh vực quân sự, tập đoàn nghiên cứu phát triển thành công và đưa vào trang bị trong Quân đội các trang thiết bị quân sự công nghệ cao. Các sản phẩm quân sự của Viettel được các quân binh chủng đánh giá cao cùng nhiều tính năng cải tiến phù hợp các yêu cầu tác chiến của quân đội.

Ở lĩnh vực dân sự, tập đoàn mục tiêu thay thế thiết bị hạ tầng mạng viễn thông ngoại nhập bằng chính những sản phẩm do người Viettel sản xuất ra. Theo đại diện tập đoàn, mục tiêu này được xem là thách thức bởi đây là lĩnh vực mà trên thế giới chỉ có 5 nhà cung cấp.

Song thời điểm hiện tại, phía Viettel cho biết đã làm chủ 80% phần tử quan trọng nhất trong một kiến trúc mạng viễn thông, từ lớp truy nhập đến lớp mạng lõi, từ truyền dẫn đến di động.

Điển hình trong đó là một số sản phẩm nổi bật như trạm thu phát sóng 4G (eNodeB), hệ thống chuyển mạch 4G (EPC), hệ thống tổng đài chuyển mạch 3G (MSC), thiết bị truy nhập truyền dẫn quang cho mạng viễn thông (Site Router)...

"Chúng tôi đã sớm sở hữu hệ thống tính cước thời gian thực (vOCS) - được xem là trái tim nhà mạng, vốn chỉ có một số ít tập đoàn hàng đầu thế giới có khả năng sản xuất và bán được", đại diện doanh nghiệp cho biết.

Cũng theo vị này, phiên bản vOCS do Viettel sản xuất hiện có thể hỗ trợ hàng trăm triệu thuê bao trên một hệ thống, cùng khả năng thiết kế cho mỗi khách hàng một gói cước. Sản phẩm do người Việt Nam nghiên cứu và sản xuất có mức giá thành cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại của các nhà cung cấp trên thế giới.

Số lượng khách hàng của vOCS tại Việt Nam là hơn 80 triệu (gồm nhiều dịch vụ từ di động, cố định, cố định băng rộng đến truyền hình...) và đã được triển khai trên 11 nước với tổng số khách hàng là 170 triệu người. Phiên bản vOCS mới nhất đã hỗ trợ công nghệ ảo hóa mạng lưới, mô hình mạng viễn thông ảo, phân chia mạng và hỗ trợ các thuê bao không phải người dùng (M2M) tới hàng tỷ thuê bao.

Hệ thống tính cước theo thời gian thực vOCS - một trong những sản phẩm nổi bật của VHT đạt giải Vàng Kinh doanh Quốc tế International Business Stevie Awards (IBA) năm 2018

Hệ thống tính cước theo thời gian thực vOCS - một trong những sản phẩm nổi bật của VHT đạt giải Vàng Kinh doanh Quốc tế International Business Stevie Awards (IBA) năm 2018

Những thành công này được cho là khiêm tốn so với những gã khổng lồ về chế tạo của thế giới. Tuy nhiên, những chuyên gia công nghệ cho rằng điều này dần tạo dựng niềm tin rằng người Việt có thể làm chủ quá trình nghiên cứu, chế tạo sản phẩm, thiết bị hiện đại có thể cạnh tranh ngang ngửa về chất lượng.

"Sự ra đời của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao đánh dấu mốc Viettel chính thức là một công ty nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm công nghệ cao, đồng thời cũng mở ra một giai đoạn nghiên cứu, phát triển mới", ông Lê Đăng Dũng phát biểu dịp VHT chính thức ra mắt.

Ông Dũng khẳng định, tập đoàn sẽ tiếp tục tận dụng khó khăn để rèn luyện và trưởng thành. Doanh nghiệp sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất, đi tiên phong trong những lĩnh vực như AI, Big Data, VR.

Tổng công ty dự kiến xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm toàn diện, phát triển các dòng sản phẩm thành các ngành, trong đó từng ngành là một bộ phận, một mắt xích quan trọng cho cả hệ thống. "Các sản phẩm đều được phát triển trên những nền tảng công nghệ lưỡng dụng, giải quyết triệt để các bài toán, các vấn đề tồn tại của khách hàng và xã hội", ông Dũng nói.

Trong đó, VHT sẽ hoàn thiện các dòng sản phẩm hạ tầng viễn thông thế hệ mới 5G, ảo hoá NFV... Để triển khai các ứng dụng băng siêu rộng, IoT độ trễ siêu nhỏ.

Ông Dũng cho biết tổng công ty cũng tập trung xuất khẩu sản phẩm nhằm cạnh tranh với sản phẩm của các nhà cung cấp tên tuổi trên thế giới, với mục tiêu tạo ra khoảng 20 - 30% doanh thu của Tập đoàn.

Người đứng đầu Viettel khẳng định tính thiết yếu của việc chế tạo được thiết bị "Make in Vietnam", bởi theo ông, chỉ khi làm chủ được công nghệ lõi, Việt Nam mới có thể trở thành một quốc gia phát triển và tiên tiến.

Nguyễn Thảo

0 comments:

Post a Comment